Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020)

19/10/2020 03:47:11PM
Màu chữ Cỡ chữ
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, con người Việt Nam đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự gắn kết Cá nhân- Gia đình- Làng xã- Tổ quốc, là tinh thần anh dũng, kiên cường, tạo nên sức mạnh cộng đồng để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Trong tiến trình lịch sử đó, với thiên chức làm mẹ, vai trò làm “nội tướng” trong gia đình và công dân của xã hội, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự đóng góp thầm lặng đó đã dần kết tinh nên những phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam: Yêu nước, anh hùng, đảm đang, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung và giàu đức hy sinh.

Trải qua bao đêm trường thế kỉ của chiến tranh, chống chế độ phong kiến bất công, hình ảnh người mẹ, người chị Việt Nam vẫn luôn sáng ngời rạng rỡ. Họ càng chứng minh được phẩm chất của mình là những đóa sen đẹp dịu dàng, thanh khiết.

Từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua những chặng đường dài của lịch sử vô cùng oanh liệt dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống thông minh, sáng tạo, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm. Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận phụ nữ là nguồn hạnh phúc, chăm sóc chồng con, đỡ đần cha già mẹ yếu. Là chỗ dựa cho gia đình trong nhiều phương diện cuộc sống. Có vai trò người yêu, người vợ, người mẹ, người phụ nữ luôn được yêu thương và chiếm vị trí quan trọng trong mọi tầng lớp người Việt. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được dân gian lưu truyền trở nên rất gần gũi và đầy tình yêu thương.

Đất nước bước sang trang sử mới. Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng ta sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng cho phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy, vào ngày 20/10/1930 Hội Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử trọng đại này nói lên quan điểm của Đảng ta đối với phong trào của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Từ khi ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Hội Phụ nữ được rèn luyện, trưởng thành qua từng thời kỳ cách mạng gắn liền với sự lớn mạnh và phát triển của cách mạng Việt Nam, với nhiều tên gọi khác nhau cho phù hợp ở từng giai đoạn cách mạng. Đó là: Hội Phụ nữ giải phóng (1930- 1931); Hội Phụ nữ dân chủ (1936- 1939); Hội Phụ nữ Phản đế (1939- 1941); Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941- 1945); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (từ 1946 đến nay). Từ đây, phụ nữ Việt Nam đã có tổ chức của riêng mình, có vị thế trong lịch sử dân tộc. Ngay sau khi ra đời tổ chức Hội Phụ nữ đã tuyên truyền giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở Đảng, làm giao thông liên lạc từng bước phát động chị em tham gia đấu tranh chống bọn chủ bóc lột, đòi quyền lợi hàng ngày, tham gia rải truyền đơn, diễn thuyết, cắm cờ cách mạng, tiến lên khởi nghĩa cướp chính quyền góp phần to lớn làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Từ đây, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho toàn dân tộc, đem đến sự đổi mới cho phụ nữ từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ xã hội phát huy tài năng tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội... Trong phong trào đấu tranh cách mạng, người phụ nữ Việt Nam càng bừng sáng lên vẻ đẹp trung hậu, đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam trước hết là cái đẹp của tâm hồn, rồi từ đó tỏa sáng trong muôn mặt của đời sống xã hội. Đó là cái đẹp trong lao động, trong học tập, trong tình yêu, trong chiến đấu và trong cả cuộc sống thường ngày. Càng trong gian khó, ác liệt cái đẹp đó càng bừng sáng. Phụ nữ Việt Nam - đó là những phụ nữ ba đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, biết bao bà mẹ đã không chỉ một lần gạt nước mắt tiễn chồng con ra trận. Có những bà mẹ đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ cách mạng, thức thâu đêm vá áo cho chiến sĩ từ lúc tóc còn xanh cho đến khi phơ phơ đầu bạc. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược luôn in đậm dấu ấn của những nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất; Nhiều chị đã phải đổ mồ hôi xương máu, hy sinh cho tổ quốc khi khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, máu của các chị đã đổ để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như “đòn gánh đánh càn” ở miền Bắc, “tầm vông diệt giặc” ở miền Nam. Cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam cùng lòng anh hùng quả cảm đã đi vào thơ ca, huyền thoại. Đã có nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như chị Nguyễn Thị Chiên, chị Hồ Thị Bi, nữ quân báo Lê Thị Tạo, những tên tuổi còn lưu danh muôn đời đó là: mẹ Suốt, chị Út tịch, các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Trần Thị Lý, Võ Thị Thắng, Nguyễn Thị Hồng Gấm,... Trải qua các thời kỳ vẻ vang của cách mạng, 90 năm qua kể từ ngày thành lập, từ các tổ chức tiền thân đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam luôn giữ vững được vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Qua các giai đoạn và các nhiệm kỳ Đại hội, Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phát động các phong trào, các cuộc vận động lớn, có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội nhân văn sâu sắc. Đó là phong trào “Năm tốt” của phụ nữ miền nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền bắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hai cuộc vận động: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” (1989); hai phong trào: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc’’, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước” (2002); phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”(2007); Cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương„ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (2008); Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (2010).

90 năm qua, được Đảng, Bác Hồ quan tâm, dìu dắt, phong trào phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành và phát triển, tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh. Trong từng giai đoạn cách mạng, Hội Phụ nữ luôn luôn có các hình thức vận động thích hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới đất nước đặc biệt, sự nghiệp CNH, HĐH đã tạo những điều kiện thuận lợi và cơ hội để phụ nữ Việt Nam phát huy khả năng và những phẩm chẩt tốt đẹp đã được xây đắp qua nhiều thế hệ. Hội Phụ nữ có bước phát triển vượt bậc, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của mọi tầng lớp phụ nữ. Những năm gần đây, Hội tiếp tục hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng hội viên và cấp hội hoạt động. Hội đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập”,... góp phần thực hiện các chương trình quốc gia, nhất là chương trình xóa đói, giảm nghèo.

Hiện nay, Phụ nữ Việt Nam đang góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, lực lượng nữ chiếm tỉ lệ cao trong đội ngũ lao động; tích cực tăng gia, lao động sản xuất, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời nâng tầm cao mới để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới- thời đại đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Lực lượng lao động xã hội ngày càng có nhiều nữ giới tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Lực lượng lao động và cán bộ nữ đang được tập hợp, tổ chức, động viên thông qua việc tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các cuộc vận động do các cấp, các ngành, các địa phương phát động.

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, xin gửi tới những người bà, người mẹ, cùng toàn thể chị em phụ nữ những lời chúc tốt đẹp nhất; mãi mãi đại diện của vẻ đẹp đằm thắm và dịu dàng của người phụ nữ Á Đông, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho một gia đình yên ấm, hạnh phúc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước. Phát huy truyền thông tốt đẹp của người phụ nữ Việt nam, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, trong thời gian qua, hội viên Phụ nữ nói chung, đội ngũ nữ cán bộ công chức viên chức nói riêng đã luôn cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn để thực hiện có kết quả các phong trào thi đua, cùng nhau thi đua lao động và công tác giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế đất nước; tổ chức tốt cuộc sống gia đình, nuôi dạy con ngoan học giỏi; thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào bề nổi, hưởng ứng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao. Phong trào thi đua yêu nước thường xuyên được chú trọng thực hiện có hiệu quả, có sức sống mạnh mẽ và trở thành hành động cách mạng trong các cơ quan, đơn vị. Phong trào đã thực sự phát huy khả năng lao động sáng tạo của chị em trên tất cả các lĩnh vực, động viên cán bộ nữ thi đua, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thiện mẫu người phụ nữ Việt Nam theo các chuẩn mực của thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

BTG HU tổng hợp

Liên kết website